Thôn Sín Chải thuộc xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai – một tỉnh phía Tây Bắc của Việt Nam, là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc Hmông,Dao, Giáy…Người Hmông ở đây thuộc nhóm Hmông trắng, theo tập tục từ nhiều đời họ chọn những vùng đất cao để sinh sống. Mỗi năm họ chỉ có một vụ lúa duy nhất, ngoài ra họ trồng ngô, khoai, sắn và các rau củ quả. Họ nuôi các lọa gia cầm: trâu, bò, ngựa, gà…cho nhu cầu gia đình và bán để có thêm thu. Một số ít gia đình trước kia có trồng thêm thảo quả trên rừng tuy nhiên gần đây do việc trồng thảo quả ảnh hưởng tới đất rừng nên nguồn thu nhập này cũng trở lên hạn chế. Hiện tại, ở thôn Sín Chải đã có trường học dạy cho các học sinh từ mẫu giáo, lớp 1 đến lớp 5, nhưng nhiều người dân ở đây vẫn mù chữ, đặc biệt là người phụ nữ Hmông, họ không biết đọc, biết viết thậm chí không hiểu tiếng Kinh.
Ngày nay, trong khi rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số đang có xu hướng đơn giản hóa, thậm chí bỏ hẳn bộ trang phục truyền thống thì người phụ nữ Hmong ở Sín Chải vẫn tiếp tục sử dụng những bộ váy áo có nhiều chi tiết trang trí phức tạp, cầu kỳ hơn. Họ vẫn thường xuyên mặc những bộ váy áo truyền thống vào những dịp lễ Tết, đám cưới hoặc những ngày lễ quan trọng.
Trang phục của người Người Hmông trắng ở Sín Chải có những điểm chung với các nhóm Hmong khác và cũng có những đặc điểm riêng theo từng dòng họ. Ví dụ: phụ nữ họ Sùng mặc váy xếp ly bằng vải lanh mộc trắng không nhuộm, còn phụ nữ họ Vàng mặc váy vải vẽ sáp ong và nhuộm chàm. Riêng phần áo và thắt lưng thì khá tương đồng. Một bộ trang phục hoàn chỉnh gồm chiếc váy xếp ly, áo, thắt lưng, khăn đội đầu và rất nhiều các phụ kiện trang trí như ruy băng, dây kim tuyến, những dây cườm đính đồng xu… Chiếc áo là bộ phận được trang trí khá cầu kỳ. Áo có dáng ngắn, phần cổ áo phía sau và hai ống tay áo được thêu rất nhiều hoa văn. Tuy nhiên chiếc thắt lưng mới là điểm nhấn quan trọng nhất, được trang trí đặc biệt tinh xảo với những hoa văn ghép vải làm nên sự khác biệt giữa trang phục của người phụ nữ Hmông ở Bát Xát với trang phục phụ nữ Hmông các khu vực khác. Cách ghép vải của phụ nữ Hmông ở đây là kiểu ghép trổ thủng rất cầu kỳ đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Các đường nét hoa văn được vẽ định hình trên lớp vải bông mỏng, rồi khâu đính trên lớp vải lót nền, sau đó được cắt thủng để lộ nền và khâu viền mép với những mũi chỉ ngắn và đều đặn. Sau khi khâu xong phần vải ghép các họa tiết được nhấn thêm các mũi thêu đột bẳng chỉ màu sặc sỡ. Hoa văn ghép vải đặc trưng nhất ở Bát Xát là hoa văn xoắn ốc (tiếng Hmong gọi là Cư) rất đa dạng tạo nên bởi các lớp vải sặc sỡ nổi bật trên nền vải đen.
Vào năm 2009, nhận thấy những tiềm năng đặc biệt của nhóm phụ nữ Hmong ở Sín Chải, tổ chức Craft Link phối hợp với UCODEP (một tổ chức phi chính phủ của Ý) thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng nhóm sản xuất nghề thêu thủ công truyền thống. Mục tiêu của dự án là nhằm khôi phục các kỹ năng thêu truyền thống của người dân nơi đây, giữ gìn bản sắc dân tộc của họ đồng thời giúp họ có thêm thu nhập cho gia đình và cộng đồng.
Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:
CRAFT LINK
51 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (8424) 3733 6101
Email: craftlink@craftlink.com.vn
Web: www.craftlink.com.vn
FB: facebook.com/craftlink.com.vn
IG: instagram.com/craftlinkvietnam