Nhóm Dân tộc thiểu số

Người Hmong Hoa ở xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải, Yên Bái.

Mù Cang Chải là một địa danh nổi tiếng của tỉnh Yên Bái, thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam với những ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Huyện có dân số  khoảng 47.000 người trong đó đa số là người dân tộc Hmong. Đây là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, gạo là nguồn lương thực chính cho gia đình. Ngoài ra họ còn trồng ngô, đậu tương, các loại rau, thảo quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Xã Chế Cu Nha – một trong 13 xã của huyện, là nơi sinh sống của cộng đồng người Hmong Hoa. Di cư đến đây từ hàng trăm năm trước, ngưởi Hmong ở Chế Cu Nha sống trong những ngôi nhà gỗ khá rộng rãi dựng trên những sườn dốc cao rải rác giữa những khu ruộng bậc thang. Có thể do cư trú khá tách biệt so với các nhóm dân tộc khác nên cộng đồng người Hmong ở đây vẫn giữ được những bản sắc văn hóa riêng rất độc đáo.

Hầu hết người dân ở đây vẫn mặc trang phục theo kiểu truyền thống, điều rất hiếm có ở nhiều vùng dân tộc thiểu số khác. Không những phụ nữ, nam giới mà cả những em bé cũng được mẹ thêu cho những trang phục rất tinh xảo. Trang phục truyền thống của người Hmong Hoa ở xã Chế Cu Nha được may bằng vải lanh với những hoa văn trang trí bằng phương pháp vẽ sáp ong., nhuộm chàm kết hợp với thêu và ghép vải. Ngày nay họ chuyển sang dùng vải cotton dệt công nghiệp màu đen có độ bóng cao, song kiểu dáng và hình thức trang trí vẫn giữ được phong cách truyền thống.

Không nổi bật về màu sắc, trang phục của người Hmong Hoa mang một nét màu rất trầm trong tổng thể với gam màu chính là chàm, nâu. Tuy nhiên các hoa văn trang trí lại vô cùng tinh tế và hài hòa, kết hợp những nét hoa văn sáp ong với những đường kẻ sọc, chấm nhỏ màu đỏ đậm và vàng được khâu ghép cầu kỳ.

Kỹ thuật vẽ sáp ong của phụ nữ Hmong ở Chế Cu Nha cực kỳ thuần thục. Mỗi phụ nữ ở đây sở hữu một bộ bút vẽ sáp ong Đá ô ta gồm hàng chục chiếc to nhỏ khác nhau. Họ đun chảy sáp ong rồi chấm bút vào, vẽ hoa văn trên nền vải trắng, sau đó đem tấm vải nhuộm chàm nhiều lần cho đến khi đủ đậm thì đem luộc để tẩy hết sáp ong, chỉ còn hoa văn màu trắng nổi trên nền chàm. Với đôi bàn tay đặc biệt khéo léo và những sáng tạo được chắt lọc qua nhiều thế hệ, họ đã tạo ra những tác phẩm tuyệt đẹp.

Kỹ thuật nhuộm chàm với các mức độ màu đậm nhạt khác nhau trên cùng một mảnh vẽ cũng là một kỹ thuật rất độc đáo tạo ra sự khác biệt với các nhóm Hmong khác. Mỗi hoa văn thêu hay sáp ong đều mang một ý nghĩa văn hóa đặc biệt.

Nhận thấy những kỹ năng đặc sắc của phụ nữ Hmong Hoa ở Chế Cu Nha, CRAFT LINK đã tiến hành một dự án hỗ trợ bảo tồn nghề truyền thống tại đây. CRAFT  LINK không chỉ tập huấn cho chị em các kỹ năng quản lý nhóm, thiết kế sản phẩm mà còn là cầu nối đưa các sản phẩm của họ đến với thị trường. Hy vọng trong tương lai không xa, thông qua việc phát triển sản xuất hàng thủ công của dự án, người dân xã Chế Cu Nha vẫn tiếp tục giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống cho chính mình.

Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:

CRAFT LINK

51 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: (8424) 3733 6101

Email: craftlink@fpt.vn

Web: www.craftlink.com.vn

FB: facebook.com/craftlink.com.vn

IG: instagram.com/craftlinkvietnam

 

  • THEO DÕI TRANG

  • © 2020 Craft Link JSC - All rights reserved | Developed by iColor Branding

  • Nhãn hiệu của Tổ chức Thương mại công bằng thế giới đảm bảo rằng CRAFT LINK tuân thủ xuất sắc các tiêu chí Công bằng thương mại.