Nhóm Dân tộc thiểu số

Người Hmong ở xã San Sả Hồ, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Sản phẩm Thủ công truyền thống ở thôn Ý Lình Hồ, xã San Sả Hồ, Sa Pa.

Năm 2001, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Craft Link đã phối hợp thực hiện một dự án phát triển sản phẩm thủ công cho phụ nữ người  Hmong ở thôn Ý Lình Hồ, một trong ba thôn của xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình rất phức tạp nên người Hmông ở  Ý Lình Hồ chỉ trồng một vụ lúa và ngô mỗi năm. Họ có thêm thu nhập từ việc thu hái thảo quả trong rừng, là một vị thuốc dân tộc. Tuy nhiên, để duy trì cuộc sống chủ yếu theo lối tự cung tự cấp, mỗi thành viên trong gia đình đều phải làm việc rất vất vả: làm ruộng, lấy củi, chăm sóc lợn, gà. Mặc dù thôn Ý Lình Hồ có một điểm trường tiểu học dạy các em học sinh đến lớp 4, nhưng hầu hết người lớn ở đây không biết chữ. Người dân ở đây được chăm sóc sức khỏe tại các trạm y tế  địa phương.

Trang phục truyền thống trong các ngày lễ hội đặc biệt ở  Ý Lình Hồ

Để chuẩn bị cho đám cưới, các cô gái trẻ người Mông sẽ làm ít nhất hai bộ quần áo mới bằng vải lanh, một để mặc và một cất để dành. Các bà mẹ thường dệt vải lanh cho con gái hoặc các cô sẽ mua vải lanh của các bà các cô trong thôn bản để may quần áo. Việc trồng cây lanh, nối sợi lanh, dệt vải tốn rất nhiều thời gian và công sức, vì vậy giờ đây hầu như chỉ có người già mới tranh thủ làm khi có thời gian rảnh rỗi.

Hàng năm vào dịp Tết (Lễ hội năm mới), các thành viên trong gia đình đều phải có một bộ quần áo mới. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông ở đây gồm có một áo khoác ngoài bằng vải lanh (Shao cho) được trang trí rất cầu kỳ với nhiều màu sắc ở cổ áo, dưới lớp áo khoác này là một áo vải bông dài tay (Shao ti). Khác với phụ nữ Mông ở nhiều địa phương khác thường mặc váy xếp li, phụ nữ Mông ở Ý Lình Hồ nói riêng và khu vực Sa pa nói chung mặc chiếc quần ngắn, chỉ vừa qua đầu gối một chút và quấn xà cạp ở bắp chân.

Trang phục nam giới cũng bao gồm Shao cho với áo Shao ti ngắn và quần dài. Tất cả vải lanh, vải bông dùng may quần áo đều phải nhuộm bằng lá chàm tự nhiên. Hầu hết các gia đình đều tự trồng cây chàm để nhuộm vải.

Gau Tao là một lễ hội địa phương, thường diễn ra ngay sau  dịp Tết. Trong ngày hội này mọi người tập trung tổ chức trò chơi, ca hát và nhảy múa. Đây là dịp mà các cô gái trẻ có thể mặc những chiếc váy trang trí hoa văn bằng phương pháp vẽ sáp ong. Ngày nay phụ nữ Mông ở Ý Lình Hồ không tự vẽ trang trí và may váy nữa mà thường tìm mua của những người buôn bán từ các thôn bản khác, có thể từ rất xa. Chiếc váy vẽ sáp ong được coi là rất quý giá và được phụ nữ Mông giữ gìn cẩn thận đến tận khi qua đời. Phụ nữ Mông ở Sa pa tuy ngày thường chỉ mặc quần ngắn, nhưng khi qua đời họ phải được mặc chiếc váy hoa để có thể gặp lại tổ tiên của họ ở thế giới bên kia. Các nghi lễ trong đám tang sẽ được thầy cúng của thôn tổ chức theo đúng tập tục.

Hoa văn vẽ sáp ong và các kỹ thuật truyền thống ở thôn Ý Lình Hồ

Chỉ khi chết, nam giới và phụ nữ ở Ý Lình Hồ được mặc một chiếc áo đặc biệt gọi là shao co. với phần tay áo được trang trí cầu kỳ bằng hoa văn vẽ sáp ong. Hiện nay chỉ có một số ít phụ nữ lớn tuổi còn giữ được kỹ thuật vẽ sáp ong kết hợp với thêu đắp vải để trang trí chiếc áo shao co cũng như trang trí chiếc địu trẻ em.

Một loại bút đặc biệt có cán làm tre và ngòi bằng đồng được dùng để vẽ sáp ong (dan dang lo). Họ làm nóng chảy sáp ong rồi chấm bút vào sáp ong nóng và vẽ hoa văn trên nền vải bông trắng. Họa tiết trang trí rất phong phú bao gồm cái máng lợn, bàn chân lợn, bàn chân gà,  mắt chim, khau li (khung để gỡ sợi lanh), hoa bí ngô… Trong thôn Ý Lình Hồ hiện nay không còn ai biết làm bút vẽ sáp ong nữa vì vậy họ phải mua của các thôn khác và thường dùng chung với nhau.

Phục hồi và phát triển nghề thêu và vẽ sáp ong ở thôn Ý Lình Hồ.

Với sự hỗ trợ tài chính của tổ chức UNESCO và hỗ trợ kỹ thuật của Craft Link, kỹ năng vẽ sáp ong và thêu truyền thống của phụ nữ Hmong ở bản Ý Lình Hồ đã được khôi phục để làm ra các sản phẩm phù hợp với thị trường tạo thêm nguồn thu nhập.

Một trong những kỹ năng mà các phụ nữ trẻ được học là cách thêu trang trí những chiếc cổ áo (shao cho). Cổ áo là bộ phận được trang trí cầu kỳ với các lớp vải được khâu ghép nổi tạo nền cho các hoa văn thêu bằng chỉ tơ. Craft Link đã cùng các phụ nữ trong thôn sưu tầm các mẫu cổ áo truyền thống đẹp nhất, đặc trưng nhất đồng thời tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải, chỉ tơ chất lượng cao, sau đó nghiên cứu, chọn lọc và thêu lại các mảnh trích đoạn dựa theo nguyên mẫu. Họ có thể bán những mảnh thêu này như một tác phẩm hoàn chỉnh hoặc sử dụng để đưa vào các sản phẩm như túi xách  hay vỏ gối trang trí.

Craft Link cũng đào tạo các kỹ thuật hãm màu nhuộm, sử dụng máy khâu, kỹ năng hoàn thiện sản phẩm khâu tay, tổ chức các lớp học xóa mù chữ…và kỹ năng làm sổ sách, tiếp thị cho ban quản lý. Mục đích của dự án nhằm giúp phụ nữ Mông ở thôn Ý Lình Hồ tăng thêm thu nhập bằng nghề thủ công truyền thống và tạo cơ hội phát triển kinh tế.

https://drive.google.com/drive/u/1/folders/1ccOZZnltkQc8CJ7z4ElMzouvBis2PqDm

Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:
CRAFT LINK
51 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (8424) 3733 6101
Email: craftlink@craftlink.com.vn
Web: www.craftlink.com.vn
FB: facebook.com/craftlink.com.vn
IG: instagram.com/craftlinkvietnam

  • THEO DÕI TRANG

  • © 2020 Craft Link JSC - All rights reserved | Developed by iColor Branding

  • Nhãn hiệu của Tổ chức Thương mại công bằng thế giới đảm bảo rằng CRAFT LINK tuân thủ xuất sắc các tiêu chí Công bằng thương mại.