Nghệ nhân

Nghề thêu của người DAO ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai.

Xã Tả Phìn là một xã miền núi của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, giáp biên giới Trung Quốc. Trung tâm xã nép mình trong một thung lũng có thể đi bộ được từ thị trấn Sa Pa – một địa điểm du lịch nổi tiếng. Người Dao (Yao) ở Tả Phìn trồng lúa và ngô trên ruộng bậc thang, và thu nhặt thảo quả và cây thuốc khác từ rừng gần đó. Để có thêm thu nhập, một số phụ nữ bán hàng thủ công cho khách du lịch ở Sa Pa. Họ may túi xách và mũ từ  vải quần áo cũ nhuộm lại và một vài loại trang sức của người Dao nhưng mua được mua  lại từ các thương nhân người Giáy trong vùng.

Trong một dự án Craft Link phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và MRDP (Chương trình Phát triển nông thôn miền núi) cùng Oxfam Quebec, nhóm phụ nữ Dao được đào tạo để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao có họa tiết dựa trên các sản phẩm truyền thống của họ. Các họa tiết hoa văn truyền thống được đưa vào các sản phẩm mới như tay áo, quần dài, áo khoác ngoài, và các trang phục khác của người Dao. Đúng theo truyền thống, rất nhiều sản phẩm mới sử dụng vải nhuộm màu chàm.

Các chị em không chỉ được đào tạo trong việc đo kích thước và cắt may, học và khâu tay các sản phẩm mới, mà còn được học quản lý sổ sách và kỹ năng điều hành nhóm sản xuất hàng thủ công .

Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:

Nhuộm chàm

Hiện nay người Dao ở Tả Phìn hầu như không tự dệt vải, họ mua vải ở chợ Sapa và tự nhuộm chàm theo phương pháp tự nhiên. Mỗi gia đình đều có thùng nước chàm. Bột chàm được chế biến từ lá cây chàm tươi, rồi hòa với các nguyên liệu khác tạo thành thùng nước nhuộm. Vải nhuộm được nhúng vào thùng nước chàm rồi phơi khô, lặp đi lại trong 30 ngày đến khi vải có được màu chàm thật sẫm.

Quá trình thêu tay

Bộ trang phục truyền thống của người Dao được may từ vải bông nhuộm chàm. Các phần trang trí được thêu riêng biệt sau đó khâu ghép vào thành bộ hoàn chỉnh. Một bộ quần áo có thể phải mất nhiều tháng mới thêu và may xong. Hiện nay nhiều phụ nữ Dao dùng chỉ thêu từ sợi len tổng hợp nhưng cũng có nhiều người cầu kỳ hơn, tự nhuộm chỉ thêu từ sợi tơ tằm.  Các bộ trang phục truyền thống nhìn qua thì có vẻ giống nhau, tuy nhiên màu sắc và các hoa văn thì lại vô cùng đa dạng. Nhiều chị em thể hiện sự sáng tạo khi nghĩ ra các họa tiết mới hoặc học hỏi từ các nhóm người Dao khác , và cả nhóm người Hmong ở Tả Phìn.

Các mô típ hoa văn thêu tay

Các họa tiết thêu tay được sáng tạo, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, là một phần của thế giới người Dao. Người Dao là những người theo thuyết phiếm thần, họ duy trì các hoạt động thờ cúng để duy trì sự cân bằng các yếu tố vật chất và tinh thần.

Các biểu tượng và các mẫu họa tiết bao gồm: cây thông, hoa đào, dấu chân của hổ, khỉ và gấu, hình con người, ngựa và chim, hình sấm sét.

Vài nét về quần áo người Dao

Thêu thùa là một công việc thường thấy trong cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ. Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì truyền thống của người Dao vì họ có khả năng thêu các họa tiết truyền thống một cách chính xác để lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Từng phần của trang phục bao gồm các bộ hoa văn được miêu tả như sau:

Trang phục của phụ nữ:

– Luy dao, hay áo khoác ngoài: Không có thắt lưng và dài đến mắt cá chân. Đuôi tà áo sau là phần được trang trí nhiều nhất. Ngoài ra phần được trang trí là phần tay áo và vạt của tà áo phía trước. Trên lưng là một họa tiết thêu hình chữ nhật gọi là luy tan.

– La sin, hay thắt lưng: Được đeo ở hông và thắt bên ngoài áo khoác, giữ cho áo khoác luôn được buộc kín.

– La peng, hay quần dài: Phần đuôi áo đằng trước được trang trí rất nhiều hoa văn.

– Chap hoong, hay cái yếm: Được mặc trong áo khoác ngoài, yếm được trang trí với các đồ trang sức và khuy bạc.

– Huong, hay khăn trùm đầu. Khăn trùm đầu là phụ kiện quan trọng để nhận biết người phụ nữ Dao. Bố mẹ có con gái thường cho cô đội khăn lúc cô 13 tuổi, đủ tuổi để đi chợ phiên và bắt đầu tìm hiểu bạn khác giới. Khăn trùm được trang trí với các đồng xu và chuông bạc. Một cái khăn có thể có 20-25 lớp vải màu đỏ hình chữ nhật. Nó được xếp lại, có các nếp gấp và thắt thành cho tròn trịa, hình dạng tròn. Người phụ nữ cạo hai bên mai tóc của mình để đảm bảo tóc không lộ ra bên dưới khăn, mặc như vậy không chỉ để làm đẹp, mà còn để chống lại những cơn gió lạnh và sương mù của Sapa.

Trang phục cho đàn ông:

Người đàn ông Dao mặc áo khoác ngắn với phần cánh tay được thêu và luy tan ở sau lưng. Đàn ông thường đội khăn choàng đầu được thêu trang trí và đó cũng là phụ kiện không thể thiếu trong dịp lễ tết.

Mũ trẻ em:

Những bé trai và gái người Dao đội những chiếc mũ riêng biệt được thêu trang trí.

Bé trai thì đội mũ được trang trí với các khuy rời bằng bạc và đồng xu, còn bé gái thì đội mũ chỉ trang trí với các họa tiết thêu.

Trang phục của người Dao trong các dịp lễ hội

Hôn nhân của người Dao do cha mẹ sắp đặt. Gia đình chú rể sẽ tặng cho cô dâu tương lai vải và chỉ tơ để cô có thể may vài bộ quần áo cho mình, cho chồng và các thành viên trong gia đình chồng. Thời gian này cô gái ở nhà thêu thùa may vá chuẩn bị cho đám cưới và cô sẽ không phải đi làm nương. Vào ngày cưới, cô sẽ mặc tất cả các bộ quần áo mới, để thể hiện sự khéo léo của mình và để có được sự may mắn. Cô đội trên đầu một chiếc khung gỗ gọi là Gong trên đó có phủ tấm vải đỏ để che kín khuôn mặt của mình. Trên tấm vải đỏ phủ thêm tấm vải thêu rất cầu kỳ gọi là Pa dao – hay là khăn cô dâu.

Đối với một người đàn ông người Dao, ngày lễ Thắp đèn hay lễ Cấp sắc là ngày lễ rất quan trọng. Lễ Thắp đèn thường được tổ chức khi cậu con trai còn nhỏ nhưng cũng tùy hoàn cảnh gia đình có thể tổ chức muộn hơn. Trong buổi lễ thầy mo đọc một bài cúng viết bằng chữ Hán được truyền từ đời này qua đời khác. Cậu con trai mặc áo dài thêu giống như của phụ nữ, đội khăn trùm đầu và quấn xà cạp thêu rất cầu kỳ. Cậu sẽ được nhận một số đèn mang tính tượng trưng và buổi lễ công nhận sự trưởng thành của cậu bé. Người Dao cho rằng phải trải qua lễ Cấp sắc mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên.

Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:

CRAFT LINK

51 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: (8424) 3733 6101

Email: craftlink@fpt.vn

Web: www.craftlink.com.vn

FB: facebook.com/craftlink.com.vn

IG: instagram.com/craftlinkvietnam

  • THEO DÕI TRANG

  • © 2020 Craft Link JSC - All rights reserved | Developed by iColor Branding

  • Nhãn hiệu của Tổ chức Thương mại công bằng thế giới đảm bảo rằng CRAFT LINK tuân thủ xuất sắc các tiêu chí Công bằng thương mại.