Những nghiên cứu của CRAFT LINK

Những nghiên cứu của CRAFT LINK

TẾT CỦA NGƯỜI MÔNG XANH Ở PÀ CÒ, MAI CHÂU, HÒA BÌNH

Bản Pà Cò Con, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nơi người Mông Xanh đang sinh sống nằm cheo leo trên sườn núi cao, phía dưới là thung lũng sâu. Vào mùa lạnh, sương mù bao phủ trên những ngôi nhà được dựng theo kiểu truyền thống với mái nhà rất thấp lợp bằng gianh. Một bếp lửa luôn tỏa khói đặt giữa nhà là nguồn sáng duy nhất vì nhà của họ rất thấp và tối. Những năm gần đây, đời sống người Mông được cải thiện rất nhiều, nhà gỗ mái gianh đã được thay bằng nhà mái ngói, mái xi măng. Đến với Pà Cò vào những buổi sáng mùa xuân, bạn sẽ thấy thấp thoáng trong làn sương mờ ảo là những phụ nữ H’mong mặc váy xòe in hình hoa văn sáp ong rất đẹp. 

Những năm gần đây người Mông trồng rất nhiều mận, do đó vào đầu mùa xuân hoa mận nở trắng trước mái hiên nhà, trong các khu vườn và trên các sườn đồi/núi. Những bông hoa trắng hòa lẫn vào làn sương sớm, khi nắng lên chúng sáng trắng cả một vùng núi rừng khiến ta như lạc vào nơi tiên cảnh. Đây cũng là thời điểm người Mông Xanh ăn tết truyền thống của họ. 

Người Mông ở Pà Cò ăn tết vui lắm! Tết của họ diễn ra trước tết của người Kinh 1 tháng, kéo dài 15 ngày (từ 30 tháng 11 đến tận 15 tháng chạp âm lịch hàng năm). Theo tục lệ truyền thống, họ sẽ ăn tết trong 4 ngày đầu sau đó tổ chức các lễ hội vui chơi giải trí cho đến tận ngày 15 mới kết thúc. Trước đó, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 các mẹ, các chị trong gia đình đã phải chuẩn bị dệt vải lanh, vẽ sáp ong, thêu váy, may quần áo mới cho các thành viên trong gia đình. Họ cũng kiểm tra thóc trong bồ, chuẩn bị tiền sắm tết…Đàn ông sẽ làm những việc nặng nhọc hơn: bắt con lợn béo để thịt hoặc để bán, lựa sẵn con gà sống hoa để thắp hương cúng tổ tiên đêm giao thừa, chuẩn bị sẵn củi lửa, sửa sang lại nhà cửa cho thật tươm tất.

Bắt đầu từ 25/11 trở đi các nhà sẽ mổ lợn để tiếp đãi họ hàng, anh em trong gia đình, đây là bữa cơm tất niên cuối năm. Bữa cơm này thường có rượu ngô, thịt lợn, cơm trắng và canh rau. Tùy từng điều kiện mà các nhà có thể thịt lợn nhiều hay ít nhưng tối thiểu phải thịt một con, số thịt ăn chưa hết sẽ được cắt nhỏ ra rồi treo lên gác bếp ăn dần trong những ngày tết. Họ dành những ngày cuối năm, từ 27 đến 28 tháng 11, để chuẩn bị lấy sẵn cỏ cho bò, nấu trước cám cho lợn. Như vậy trong mấy ngày tết họ không phải làm việc nữa.

Ngày cuối năm, không khí chuẩn bị Tết rất vui, rất náo nhiệt. Ngay từ sáng sớm đã nghe thấy tiếng cười nói rộn rã hòa cùng nhịp chày vang trên các sườn núi. Người dân đang làm bánh dày để mang biếu họ hàng, làng xóm khi đi chúc tết đầu năm. Bánh dày trắng tinh, thơm dẻo mùi nếp mới, bên ngoài bọc lá chuối xanh. Khi ăn, họ dùng mỡ lợn rán vàng bánh lên rồi ăn với thịt lợn chấm muối hoặc nước mắm ớt. Đây chính là một món ăn/món quà truyền thống không thể thiếu mỗi dịp xuân về của người Mông xanh. 

Đến tối, họ sẽ thịt con gà trống hoa (có mào đỏ, khoảng trên dưới 1kg và phải biết gáy), thổi nồi cơm gạo mới và nấu bát canh gà đem lên bàn thờ cúng tổ tiên. Họ cầu cho một năm mới sức khỏe bình an, mùa màng bội thu. Trong mâm cơm cúng, ngoài gà luộc để nguyên con còn có đủ hai bát cơm tẻ xới thật đầy, canh cũng phải múc đầy hai bát to, bánh dày phải có đủ ba cái thật to, rượu hai chén, trà hai chén và hương thắp đúng hai nén thì mới thể hiện được sự sung túc, đủ đầy.

Trong suốt đêm giao thừa các nhà phải đảm bảo hai cây đèn cày luôn được thắp sáng (bằng mỡ lợn) trên bàn thờ, củi trong bếp luôn cháy nỏ. Và tại cửa nhà, chuồng bò/trâu, chuồng lợn, chuồng gà phải được dán trang trí bằng giấy, như một “lời chào” đầu năm, giúp gia đình gặp nhiều may mắn, tránh mọi rủi ro. (Người Mông tự làm giấy bằng cây giang ở rừng, thông thường từ tháng 9-10 dương lịch. Giấy khá cứng, có màu vàng nhạt). Mười hai giờ đêm là thời khắc giao thừa tiễn năm cũ qua đi, đón năm mới tới: họ sẽ hạ mâm cơm cúng và cùng nhau uống rượu, ăn bữa cơm đầu năm, sau đó ngồi đốt lửa và trò chuyện đến sáng. 

Cũng giống như một số dân tộc khác, người Mông xanh kiêng quét nhà và đổ rác trong ba ngày tết vì họ cho rằng nếu quét nhà hoặc đổ rác sẽ làm cho các hạt giống bay mất. Vào sáng mùng một, tuy họ không kiêng kị người xông đất nhưng phải đợi đến khoảng 10h – 11h mới được sang nhà nhau chúc tết. Họ không có tập tục mừng tuổi (lì xì) cho trẻ con, thay vào đó họ đem theo một ít bánh dày sang để biếu, rồi ngồi uống rượu với gia chủ. Đặc biệt, trong các ngày tết người Mông sẽ không ăn rau xanh vì theo quan niệm truyền thống nếu ăn rau thì đến vụ mùa sẽ có nhiều cỏ. Ngày mùng một phụ nữ cũng không được cầm kim chỉ, không phải làm việc gì, chủ yếu chỉ đi chúc tết và vui chơi.

Bên cạnh những nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, địa phương cũng tổ chức các họat động lễ hội, vui chơi tập thể tại sân vận động của thôn, xã: thi kéo co, đánh quay, bắn nỏ, ném còn, đá bóng…giao lưu văn nghệ. Trên con đường đã trải bê tông sạch sẽ, từng đoàn thanh niên nam nữ, trẻ em trong những trang phục mới, đẹp nhất lũ lượt kéo nhau đi dự lễ hội. Hiện nay thay vì cưỡi ngựa họ đã có xe máy. Những tấm váy rực rỡ bay xòe trong nắng xuân như những cánh bướm.  

Từ năm 1997 cho tới nay, Craft Link đã hỗ trợ cho nhóm người Mông Xanh ở Pà Cò thành lập một nhóm sản xuất các mặt hàng thổ cẩm truyền thống. Nhờ vậy, chị em trong bản đã có thêm thu nhập, giúp gia đình cải thiện đời sống. Hiện tại, nhóm có 25 thành viên chính thức, mỗi tháng một thành viên có thu nhập thêm khoảng 700.000 đồng, nếu người nào chăm chỉ làm việc thì thu nhập thêm có thể lên tới hai triệu/tháng. Với khoản tiền này, họ đều để dành để cho con đi học, mua sắm các thứ dùng cho gia đình như: mắm, muối, nồi cơm điện… và đặc biệt đến những ngày gần tết họ mua quần áo, bánh kẹo…cho con cái, mua chăn mới cho cả nhà… 

Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn có cơ hội được trải nghiệm không khí tết của người Mông ở xã Pà Cò. Bạn sẽ được ngắm hoa đào, hoa mận, ngắm các chàng trai cô gái trong những bộ trang phục đẹp nhất, hòa vào không khí tưng bừng mà dân dã, chia sẻ niềm vui với các gia đình người Mông Xanh nơi đây.

  • THEO DÕI TRANG

  • © 2020 Craft Link JSC - All rights reserved | Developed by iColor Branding

  • Nhãn hiệu của Tổ chức Thương mại công bằng thế giới đảm bảo rằng CRAFT LINK tuân thủ xuất sắc các tiêu chí Công bằng thương mại.