Dự án phát triển nghề thủ công của người Hmong ở bản Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình)
Kể từ khi việc trồng cây thuốc phiện bị cấm, người Hmong ở Mai Châu đã tập trung vào việc trồng cây ăn quả; trồng ngô, sắn; khai thác lâm sản ở những khu rừng xung quanh bản. Ngày nay, với sự giúp đỡ của Oxfam Quebec và CRAFT LINK, phụ nữ Hmong có cơ hội sử dụng nghề thủ công truyền thống của mình để tăng thêm thu nhập.
Văn hóa và nghề truyền thống của người Hmong:
Người Hmong ở bản Pà Cò còn có tên là “Hmong xanh” vì phụ nữ thường đội những chiếc khăn nhuộm màu xanh chàm trong những dịp đặc biệt. Váy của họ dài tới ngang gối, được trang trí bằng phương pháp vẽ sáp ong và nhuộm chàm với các sắc độ đậm nhạt khác nhau.
Bản Pà Cò nằm cheo leo trên sườn núi cao, phía dưới là thung lũng sâu, quanh năm có sương mù bao phủ. Những ngôi nhà dựng theo kiểu truyền thống với mái nhà rất thấp lợp bằng gianh. Vì không có cửa nên trong nhà rất tối. Một bếp lửa, đặt giữa nhà, luôn tỏa khói, là nguồn sáng duy nhất.
Trên bàn thờ tổ tiên, người Hmong thường dán những hình kỳ lạ cắt bằng giấy. Họ tự sản xuất giấy từ bột tre, dàn mỏng trong một chiếc khuôn tre phía dưới lót tấm vải cũ. Ở các bản Hmong thường có các thầy mo là người tổ chức các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và trừ tà ma.
Thấp thoáng trong làn sương mờ là các phụ nữ Hmong với những tấm váy rất đẹp, vai đeo một chiếc gùi mà họ gọi là “kia” đựng đầy củi hoặc ngô, sắn. Họ vừa đi vừa tước và nối lanh thành những sợi nhỏ để dệt vải. Qua màn sương cũng có thể trông thấy những chiếc váy xòe rộng phơi trên hàng rào gỗ quanh nhà. Chính những chiếc váy xòe như hình nửa bánh xe này đã tôn thêm vẻ đẹp cho khung cảnh bản làng. Phụ nữ Hmong rất chú trọng việc thêu váy áo và đánh giá cao những chiếc váy này. Đây là một nét rất độc đáo, đầy ý nghĩa trong văn hóa của người Hmong.
Việc may váy áo là công việc hàng ngày của phụ nữ Hmong. Vào mùa xuân, họ thu hoạch cây lanh và phơi khô, sau đó họ tước lanh thành những sợi nhỏ. Trên đường đi nương rẫy hoặc khi về nhà, họ luôn tay cuốn và tước lanh. Sau đó, lanh được kéo thành chỉ và dệt thành vải vào mùa hè. Khoảng tháng 8, tháng 9, vải được nhuộm chàm. Để nhuộm xong một tấm vải phải mất từ mười ngày đến một tháng tùy thuộc vào chất lượng của bột chàm. Ngày nay, phụ nữ Pà Cò rất ít dùng vải lanh vì loại vải này nặng và nóng, hơn nữa để dệt loại vải này rất mất thời gian. Tuy nhiên, trong các đám cưới, vải lanh vẫn là một món quà không thể thiếu được.
Để may phần chính của chiếc váy, người Hmong mua loại vải do người Thái dệt. Đầu tiên, người ta đo ba sải vải, giặt sạch, đồng thời đun chảy khoảng 200 gam sáp ong. Sau đó, vải được căng trên một tấm gỗ phẳng. Phụ nữ Hmong dùng một dụng cụ gọi là “đá tràng tà” để chấm vào sáp ong vẽ các hoa văn rất tinh xảo trên tấm vải. Sau khi vẽ xong, toàn bộ tấm vải được ngâm nước chàm mỗi ngày một lần trong suốt 25 ngày. Khi đã ngấm đủ chàm, vải được nhúng qua nước nóng để tẩy sạch lớp sáp ong, lúc đó trên tấm vải chàm sẽ hiện ra những hoa văn màu trắng. Tấm vải vẽ sáp ong còn được trang trí bằng các hình thêu và vải ghép tuyệt đẹp (hiện nay, ở Pà Cò, các cô gái trẻ không muốn tốn nhiều thời gian để vẽ sáp ong nên họ mua các tấm vải sặc sỡ để ghép trang trí). Khi ba sải vải được trang trí xong, người ta may ghép thành chiếc váy hoàn chỉnh.
Phụ nữ Hmong ở bản Hang Kia, cách Pà Cò chỉ vài ki lô mét có những mẫu váy hoàn toàn khác biệt.
Trong các phần trang phục của người Hmong thì chiếc váy là nơi biểu hiện sự độc đáo một cách rõ nét nhất. Mặc dù vậy, nó cũng không tránh khỏi những thay đổi theo thời gian.
Tuy nhiên, các cô gái trẻ vẫn may những chiếc váy theo mẫu truyền thống với các hoa ghép vải. Đó là nét đặc trưng tiêu biểu của cộng đồng người Hmong.
Các bà mẹ rất chú tâm trong việc nhuộm vải, thêu trang trí những chiếc địu cho trẻ em. Phụ nữ Hmong đặc biệt bận rộn vào dịp trước Tết. Họ phải thêu váy, may áo cho cả gia đình. Mỗi năm, một phụ nữ Hmong phải may cho mỗi thành viên trong gia đình từ một đến hai bộ quần áo. Các em nhỏ thường giúp đỡ mẹ thêu cổ áo hoặc khâu váy.
Khi đến tuổi cập kê, các cô gái rất quan tâm tới những bộ trang phục của mình, Họ mặc những bộ váy áo đẹp nhất vào dịp lễ Tết hoặc khi đi dự đám cưới. Ngày Tết, thanh niên nam nữ Hmong thường chơi một trò gọi là “Lõ pò po”. Cùng ném bóng vui đùa với nhau, những đôi trai gái có tình ý lại có cơ hội bày tỏ tình cảm của mình. Sau các trò chơi, họ cùng tụ tập để hát những bài hát dân ca và thổi kèn lá. Vào ban đêm, các chàng trai tới nhà bạn gái, gõ vào bức tường gỗ nơi các cô gái ngủ và hẹn hò với cô.
Người Hmong có tập quán “kéo vợ” trong ngày cưới. Sau khi cô dâu được đưa tới nhà trai, hai bên gia đình sẽ thống nhất với nhau về số lượng lợn, gà, rượu…để tổ chức đám cưới. Các cặp vợ chồng mới cưới sẽ ở lại nhà bố mẹ chồng cho tới khi họ đủ khả năng làm nhà riêng.
Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:
CRAFT LINK
51 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (8424) 3733 6101
Email: craftlink@fpt.vn
Web: www.craftlink.com.vn
FB: facebook.com/craftlink.com.vn
IG: instagram.com/craftlinkvietnam