Đời sống của người Ca Tu
Nhóm dân tộc Ca Tu thuộc hệ ngôn ngữ Môn Khmer. Nguồn gốc chính xác của nhóm chưa được khẳng định chắc chắn nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng họ đã tới Việt Nam từ vùng thượng nguồn thung lũng sông Mekong hoặc khu vực tỉnh Vân Nam, phía nam Trung Quốc hàng ngàn năm trước (Tạ Đức “Hiểu về văn hóa Katu”, 2002). Ngày nay, phần lớn trong số khoảng 50000 người dân tộc Ca Tu sống dọc theo dãy Trường Sơn khu vực Nam Trung Bộ Việt Nam.
Người Ca Tu sống dựa vào nông nghiệp với phương thức sản xuất thô sơ đốt nương làm rẫy trồng lúa, đậu, ngô, sắn trên sườn đất dốc. Mối quan hệ cộng đồng bền chặt và truyền thống văn hóa phong phú được lưu giữ trong cuộc sống hàng ngày của họ. Họ duy trì cách làm nhà ở, kỹ thuật chạm khắc gỗ, đan lát, săn bắn, âm nhạc, nhảy múa và “lễ hội chọi trâu” nổi tiếng của họ. Tuy nhiên, về vật chất, đời sống của người Ca Tu còn nhiều khó khăn so với miền xuôi. Do không có nhiều thu nhập bằng tiền mặt, họ thường phải phụ thuộc nguồn hỗ trợ bên ngoài khi có vấn đề bất ngờ ví dụ như khi ốm đau bệnh tật.
Trong mỗi thôn của người Ca Tu đều có một nhà cộng đồng gọi là nhà Gươl, được dùng làm nơi hội họp, tổ chức hội hè. Phụ nữ Ca Tu mặc váy quấn dài gọi là Xà Lung còn nam giới đóng khố và cởi trần. Khi trời lạnh thì họ khoác thêm các tấm vải dệt dày dặn. Phụ nữ cũng trang trí thêm cho trang phục bằng nhiều đồ trang sức như khuyên tai, vòng tay, vòng cổ. Các tập tục xăm mặt và cà răng giờ đã không còn phổ biến. Trẻ em sinh ra mang họ của bố và chỉ có con trai trong gia đình được thừa kế tài sản (Nếu gia đình không có con trai người ta sẽ nhận nuôi một bé trai để làm người thừa kế)
Mỗi gia đình đều có họ riêng và tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tuân theo một điều cấm kỵ nhất định, lịch sử của từng dòng họ luôn có những điều kiêng kỵ đó. Trong gia đình các thành viên luôn có trách nhiệm giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ khó khăn. Người chết được an táng tại nhà mồ chung của thôn, người ta trang trí các ngôi mộ bằng những bức tượng gỗ. Người Ca Tu không có phong tục tổ chức giỗ chạp.
Nếu hai gia đình đã từng có quan hệ hôn nhân thì sẽ không có thêm thành viên được phép kết hôn với thành viên khác trong gia đinh thông gia. Nếu người chồng chẳng may qua đời, người vợ có thể kết hôn với anh hoặc em trai của chồng. Trong trường hợp người vợ qua đời người chồng cũng có thể kết hôn với chị hoặc em gái của vợ.
Trong từng gia đình người ta thường tổ chức các lễ cúng Giàng (Thần núi) để cầu may mắn, phù hộ cho mùa màng. Ở quy mô thôn xóm người ta tổ chức lễ hội lớn là Lễ hội đâm trâu để cúng tế cho Giàng.
Nghề thủ công truyền thống
Người Ca Tu có nghề thủ công truyền thống là dệt vải với hạt cườm và đan lát các vật dụng từ mây tre. Cách dệt vải của phụ nữ Ca Tu rất đặc biệt, trước kia họ dùng các hạt cườm tự nhiên từ một loại cỏ hoặc hạt cườm kim loại (chì) để dệt các hoa văn trang trí trên vải (Hiện nay họ thay thế bằng hạt cườm nhựa). Ngày xưa họ tự trồng bông, kéo sợi và nhuộm sợi bằng lá chàm, ngày nay họ mua sợi len bán sẵn trên thị trường. Vải dệt với hạt cườm được dùng làm váy, khố, khăn quấn đầu, tấm vải trang trí sau lưng…Các hoa văn trang trí đều được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, phổ biến là các đường zic zac, đường thẳng và hình thoi, được kết hợp với nhau để tạo ra các hoa văn phức tạp. Các thợ dệt phải có tay nghề cao mới tạo được các hoa văn cầu kỳ này. Mỗi hoa văn đều có tên gọi, ý nghĩa riêng như các loại hoa lá, động vật (thằn lằn, nhện…) hay hình người nhảy múa.
Khung dệt của người Ca Tu khá thô sơ, bao gồm 15-16 bộ phận có thể tháo rời. Sợi dọc được mắc vào một hệ thống các thanh ngang, thanh xa nhất được đẩy về phía trước bằng hai bàn chân và toàn bộ hệ sợi dọc được kéo căng bằng một đai buộc vào lưng người dệt. Một suốt chỉ được đưa qua đưa lại khi dệt để cài sợi ngang, các hạt cườm sẽ được xỏ vào suốt chỉ ngang này và được điều chỉnh vị trí chính xác trên mỗi lượt dệt để tạo thành hoa văn nổi trên mặt vải. Việc cài hạt cườm này tốn rất nhiều thời gian nên người thợ dệt phải vô cùng kiên trì và có kỹ năng tuyệt vời. Để dệt được một tấm vải hoàn thiện với các hoa văn hạt cườm dày đặc thực sự là một công trình đặt biệt và rất hiếm có trong thời đại máy móc công nghiệp hiện nay.
“ Tôi không mong chờ sẽ kiếm được nhiều tiền từ việc dệt vải, nhưng nếu có thêm tiền thì tôi sẽ mua thức ăn ngon hơn cho gia đình, và trả tiền cho con tôi đi học”
– Chị Hien Bon, một thợ dệt người Ca Tu
Dự án bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống
Từ đầu năm 2002, FIDR (một tổ chức phi chính phủ của Nhật có trụ sở ở Đà Nẵng) hợp tác với Craft Link hỗ trợ nhóm dệt của phụ nữ Ca Tu ở thôn Za Ra, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án nhằm giúp nhóm thợ dệt phát triển nghề dệt truyền thống với hy vọng tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống của người dân trong thôn.
Với các hỗ trợ kỹ thuật từ Craft Link, nhóm đã chuyển sang dùng chất liệu sợi bông, thực hành lại các kỹ thuật nhuộm tự nhiên truyền thống và nâng cao kỹ năng dệt và hoàn thiện sản phẩm từ vải dệt cườm.
Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:
CRAFT LINK
51 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (8424) 3733 6101
Email: craftlink@craftlink.com.vn
Web: www.craftlink.com.vn
FB: facebook.com/craftlink.com.vn
IG: instagram.com/craftlinkvietnam