Nhóm Dân tộc thiểu số

Nghề dệt của người Thái ở Quỳ Châu, Nghệ An.

Nghề dệt của người Thái ở Quỳ Châu, Nghệ An

Huyện Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An có đường biên giới tiếp giáp với Lào, cư dân hai bên biên giới có mối quan hệ bền chặt. Người dân tộc Thái chiếm đa số dân cư trong huyện. Một số gia đình dân tộc Thái vốn di cư từ Lào từ nhiều thế hệ trước. Họ có chung ngôn ngữ và nhiều điểm tương đồng về văn hóa với nhiều cộng đồng dân cư ở một số tỉnh của Lào. Từ xa xưa, phụ nữ Thái ở Quỳ Châu có truyền thống dệt và thêu những tấm chân váy sặc sỡ, trong tiếng Thái gọi là “Xỉn”, những mẫu váy này cũng khá phổ biến ở Lào và Thái Lan. Ngoài thêu váy, phụ nữ còn dệt, thêu các tấm vải để may chăn. Một số thợ dệt ở Quỳ Châu hiện sản xuất vải theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên có một thực tế là còn rất ít những thợ dệt thực sự đầu tư thời gian công sức để dệt những mẫu váy tinh xảo cho bản thân, và rất nhiều những tấm váy cũ, có giá trị thẩm mỹ thì đã bị bán cho các thương nhân.

Nhận thấy phụ nữ Thái Quỳ Châu có kỹ năng dệt và thêu đặc biệt, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Craft Link  đã phối hợp để hỗ trợ một nhóm phụ nữ ở hai bản sản xuất các mặt hàng thêu, dệt truyền thống để bán. Dự án đào tạo phụ nữ cách khôi phục các mẫu vải dệt cổ có giá trị và tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị trường rộng lớn hơn. Dự án cũng tập huấn về sổ sách tài chính và tổ chức quản lý nhóm.

Để lưu giữ kiến thức của phụ nữ Quỳ Châu, dự án đã thực hiện một video về kỹ thuật nhuộm, dệt và thêu truyền thống của phụ nữ Thái.

Váy truyền thống của người Thái

Mặc dù nhiều phụ nữ ở Nghệ An không còn mặc chiếc váy kiểu truyền thống hàng ngày nữa, nhưng các bé gái vẫn được dạy cách thêu váy từ khi mới 8 tuổi. Khi lớn hơn chút nữa, các em sẽ học cách dệt loại vải bông đơn giản có kẻ sọc. Phụ nữ Thái dành rất nhiều thời gian trong năm để dệt và thêu váy. Mỗi phụ nữ thường có từ 10 đến 30 chiếc. Váy gồm ba phần: phần trên cùng là một đường băng vải trơn màu trắng. Khi mặc sẽ được che phủ bởi chiếc thắt lưng. Phần chính giữa bằng vải bông nhuộm chàm. Phần quan trọng nhất của chiếc váy là phần gấu váy được dệt và thêu trang trí hoa văn rất cầu kỳ. Để dệt gấu váy, người thợ thường chuẩn bị một khung căng khoảng 10 đến 15 sải dài sợi bông. Mỗi gấu váy sẽ cần chiều dài khoảng 120cm. Người thợ sẽ dệt gấu váy bằng sợi bông đồng thời thêu kết hợp luôn trên khung dệt tạo các hoa văn bằng chỉ tơ tằm tự nhuộm màu. Quá trình hoàn thiện một chiếc gấu váy có thể mất vài tháng.

Chiếc váy truyền thống được mặc trong những dịp đặc biệt như Tết, đám cưới, đám ma. Một chiếc váy đẹp có ý nghĩa rất quan trọng, nó thể hiện sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ. Đặc biệt nó mang lại vẻ nữ tính,  thu hút mọi sự chú ý. Trong lời một bài hát cổ có câu:

Các cô gái mặc váy lộng lẫy

Sau bao ngày chăm chỉ dệt cùng với mẹ

Giờ có váy đẹp họ tự hào biết bao

Các cô gái tay cầm kim khéo léo

Miệt mài bên khung dệt hoa văn hình voi

Và nhiều hoa văn còn truyền mãi về sau

Các mẫu thêu

Các họa tiết thêu được lấy cảm hứng từ thiên nhiên và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hầu hết các họa tiết bao gồm bướm, hươu, bồ câu, voi, công, hổ, thằn lằn, rắn, cây cọ dừa, mặt trời, hoa sen và các loài hoa khác. Tuy nhiên, rồng có lẽ là họa tiết phổ biến nhất. Rồng là xuất hiện rất nhiều trong các truyền thuyết cổ của người Thái. Có một con rồng mang đến các cơn mưa và một con rồng khác mang đến một mùa khô và lạnh. Trong một truyền thuyết, rồng là một vị vua sống ở dưới nước và nổi lên để giúp đỡ đất nước của mình khi có chiến tranh. Một truyền thuyết khác lại kể rằng con rồng nằm dưới sông và khi trăng sáng thì biến thành một thanh niên đẹp đẽ, quyến rũ các cô gái trẻ.

Nhuộm tự nhiên

Phụ nữ Quỳ Châu có kiến thức về nhiều loại thuốc nhuộm tự nhiên, một số loại lấy từ cây cối gần nhà và một số loại khác được lấy trong rừng. Từ lá cây chàm (chàm), các chị pha chế một loại bột nhuyễn, có thể để dành nhuộm quanh năm. Các loại cây khác có thể dùng để nhuộm bao gồm Sẹt một loại rễ có vỏ được sử dụng để làm màu da cam; cánh kiến – Lác một loại ấu trùng sống trên cây tạo màu đỏ đậm rất đẹp,  pháng, một loại rễ cây tạo ra màu hồng; Bo muoc một loại lá tạo nên màu xanh và cây cà phê có thể dùng lá tạo ra các sắc độ màu nâu.

Các sản phẩm thủ công khác của phụ nữ Thái ở Quỳ Châu

Trước kia phụ nữ Thái ở Qùy Châu thêu những chiếc khăn đội đầu và thắt lưng rất tinh xảo mà ngày nay hầu như khó có thể tìm được. Những mẫu váy dệt cho đám tang cũng đặc biệt cầu kỳ, được dệt và thêu với chỉ tơ tằm nhuộm các màu đỏ tự nhiên tạo ra các hoa văn hình học trừu tượng. Các mẫu chăn trước kia cũng được thêu rất kỹ với các hình voi, chim chóc, rắn và nhiều loại động vật được cách điệu. Ngày nay có rất ít chăn thêu kiểu này, chủ yếu là loại chăn được dệt và thêu bằng hai màu đối lập mạnh, họa tiết động vật cỡ lớn đặt đối xứng nhau trên mặt chăn.

Trong khuôn khổ dự án, các phụ nữ được khuyến khích tìm và dệt lại theo các mẫu váy, chăn cổ, qua đó họ cũng khôi phục lại được các kỹ năng nhuộm và dệt từ xa xưa.

Con gái của mẹ ơi, nghe mẹ nhé

Đừng đi chơi những đêm trăng tròn

Là con gái con phải học thầy học bạn

Học dệt chăn con voi để mang về nhà chồng

Con phải biết chăm lo nhà cửa

Phải biết dệt nhiều hoa văn

Con phải biết yêu đôi bàn tay mình

Bàn tay đẹp múa trên khung cửi…

(trích bài hát của người Thái  “Mẹ dạy con gái”)

Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:

CRAFT LINK

51 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: (8424) 3733 6101

Email: craftlink@fpt.vn

Web: www.craftlink.com.vn

FB: facebook.com/craftlink.com.vn

IG: instagram.com/craftlinkvietnam

  • THEO DÕI TRANG

  • © 2020 Craft Link JSC - All rights reserved | Developed by iColor Branding

  • Nhãn hiệu của Tổ chức Thương mại công bằng thế giới đảm bảo rằng CRAFT LINK tuân thủ xuất sắc các tiêu chí Công bằng thương mại.