Kỳ Sơn là một huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An, tiếp giáp với Lào. Cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây bao gồm người Hmong, người Thái và người Khơ Mú. Trước đây người dân trong huyện thường trồng thuốc phiện trên nương rẫy. Craft Link đã hợp tác với UNDCP (Chương trình phòng chống ma túy của Liên Hiệp Quốc) trong một dự án hỗ trợ người dân địa phương tìm kế sinh nhai bền vững thay thế cây thuốc phiện tại đây. Dự án tập trung giúp đỡ phụ nữ H’Mông thuộc bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn có thêm nguồn thu nhập thông qua việc duy trì sản xuất và marketing hàng thủ công truyền thống.
Người Hmong ở bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ
Bản Phà Xắc hiện có 125 gia đình người H’mong trắng. Tổ tiên của họ di cư từ Trung Quốc qua Lào sang Việt Nam từ khoảng 150 năm trước. Sinh sống trên vùng núi cao, hiểm trở, người dân ở đây đang chuyển dịch mô hình kinh tế tìm các nguồn thu nhập ổn định thay thế cho việc trồng thuốc phiện. Hiện nay ngoài nguồn thu nhập chính từ trồng lúa, ngô, hoa quả và chăn nuôi, việc sản xuất hàng thủ công và tìm kiếm thị trường mới đang mở ra cơ hội tăng thu nhập cho các hộ gia đình người Hmong ở đây.
Trang phục truyền thống và các phong tục đặc biệt
Phụ nữ H’mong tại Phà Xắc thường mặc các bộ trang phục truyền thống nhân dịp năm mới, đám cưới, đám tang, chợ phiên hay các dịp lễ đặc biệt khác. Bộ quần áo truyền thống của họ bao gồm quần rộng màu đen (hu thiếc) và áo dài màu đen (lu chiếu chậm) với cổ áo được thêu đáp mảnh công phu. Một cô gái được coi là hấp dẫn nhất khi cô đeo xung quanh hông chiếc thắt lưng thêu màu hồng sáng và xanh lá cây. Cô còn đeo thêm đồ trang sức là một sợi dây chuyền bạc lớn (lu nhia). Ngoài ra, chiêc ví thêu trang trí và khăn xếp đội đầu (phu chong slua) cũng được sử dụng trong các dịp đặc biệt. Chiếc khăn xếp này dài hơn mười mét, được làm bằng dải lụa màu tím và trang trí bằng một đoạn ruy băng kẻ sọc (chang).
Theo truyền thống, của hồi môn cho cô dâu khá nhiều. Mỗi cô dâu mang đến gia đình chú rể 10 bộ trang phục, gia đình chú rể tặng lại cô quần áo và một chiếc vòng cổ có giá trị. Của hồi môn luôn bao gồm một chiếc váy trắng mà cô sẽ giữ để mặc khi qua đời để tổ tiên có thể nhận ra cô.
Các gia đình H’mong vẫn làm giấy từ tre để thực hiện các nghi lễ cho người mất và để trang trí ban thờ. Theo phong tục, người H’mong không dùng các vật liệu không phân huỷ được như nhựa hoặc sắt mà làm quan tài rất đơn giản, chỉ dùng đinh vót từ cật tre để đóng quan tài để đảm bảo không có gì ngăn cản người chết đi gặp tổ tiên của họ.
Các đặc điểm nổi bật trên trang phục
Cổ áo (pan tau)
Cách trang trí chiếc cổ áo giúp phân biệt được trang phục giữa các nhóm dân tộc H’mong và thể hiện sự khéo léo của bàn tay người phụ nữ. Phụ nữ Hmong ở Phà Xắc dùng chiếc kéo nhỏ cắt trổ các đường nét hoa văn tinh xảo trên các miếng vải rất mỏng sau đó khâu ghép lên một nền vải khác với các mũi khâu nhỏ li ti. Sau đó họ thêu trang trí thêm vào các khoảng còn trống. Các họa tiết trổ ghép và thêu móc xích rất đa dạng với các họa tiết lấy cảm hứng từ cuộc sống hàng ngày. Các họa tiết thường thấy là hoa đào, ốc, chim, dấu chân gà, cái đòn gánh, cối giã gạo và cái cầu hình ván đôi hoặc ván đơn.
Thắt lưng (quo xe xia)
Chiếc thắt lưng theo kiểu truyền thống may ghép từ nhiều ô vuông vải các màu hồng, xanh lá cây được trang trí hoa văn trổ thủng rất tinh xảo trên nền vải trắng và thêu bổ xung thêm các hoa văn nhỏ thêu móc xích bằng chỉ. Họa tiết phổ biến nhất có dạng xoắn tròn được trổ ghép hoặc thêu trên vải được gọi là “cu”, hay hình con ốc.
Thắt lưng được gắn vào một tạp dề dài hình chữ nhật màu đen, họ còn đính các đồng xu Đông Dương thời Pháp cũ lên thắt lưng. Khi các cô gái bước đi hay nhảy múa, các đồng xu đung đưa theo nhịp chân và kêu leng keng rất vui tai.
Ngày nay các phụ nữ Hmong ở Phà Xắc mua loại vải tơ nhân tạo các màu trắng, xanh, hồng của những người buôn bán bên Lào để thêu cổ áo và các chi tiết trang trí trên trang phục. Các cô gái trẻ đem các mảnh thêu đến bán ở các chợ phiên trong vùng. Những mảnh thêu rời này người ta mua lại, khâu hoàn chỉnh thành thắt lưng và cổ áo rồi bán cho các cộng đồng người Hmong ở nhiều nơi, thậm chí cả ở Mỹ.
Mũ trẻ em (lu co mo or co mom bi)
Các bà mẹ Hmong rất chú trọng đến việc thêu mảnh hoa văn mảnh trang trí cho chiếc mũ của con mình. Họ thường đính 1 miếng thảo quả trên mũ để phòng bệnh cho đứa trẻ. Ngoài ra họ trang trí thêm nhiều đồng xu và hạt cườm mầu.
Thử thách và cơ hội mới
Hiện nay quần áo bán sẵn trên thị trường rất nhiều, rất dễ mua. Nhiều phụ nữ Hmong ở Phà Xắc không còn muốn bỏ nhiều thời gian thêu thùa may vá, dẫn đến nguy cơ nghề truyền thống bị mai một. Trước thực trạng này, Craft Link đã trực tiếp thực hiện Dự án phát triển nghề thủ công truyền thống tại địa phương. Dự án sử dụng các họa tiết đặc trưng của người H’mong để thiết kế các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Dự án cũng nhằm bảo tồn các kỹ năng truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao năng lực cho các thành viên đồng thời tăng thêm thu nhập cho cộng đồng.
Để biết thêm thông tin về dự án này, xin vui lòng liên hệ:
CRAFT LINK
51 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (8424) 3733 6101
Email: craftlink@fpt.vn
Web: www.craftlink.com.vn
FB: facebook.com/craftlink.com.vn
IG: instagram.com/craftlinkvietnam